TP.HCM khởi điểm cải tạo chung cư cũ theo hướng mới tại quận 3 năm 2020

So với kế hoạch đề ra, tiến độ cải tạo, xây mới các chung cư cũ còn quá chậm. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, đa phần các chung cư trong nội thành đều xây trước năm 1975 và có diện tích rất nhỏ, có chung cư khuôn viên chỉ vài trăm m2.

Do đó, nếu tách dự án này ra thành các dự án độc lập rồi xây mới, tái định cư tại chỗ cho người dân thì doanh nghiệp sẽ không còn đất để xây lại chung cư.

Vì vậy, theo chủ trương đưa ra, thành phố sẽ giao các sở, ngành, quận, huyện rà soát những chung cư cũ cần xây lại trên địa bàn, xem xét chỉ tiêu quy hoạch để dồn tái định cư vào một chung cư, dành quỹ đất còn lại cho nhà đầu tư. Để làm theo hướng này, trước tiên, thành phố sẽ triển khai tại quận 3.

Ông Trần Trọng Tuấn, Bí thư Quận ủy quận 3 cho biết, 3 dự án chỉnh trang đô thị cấp bách đang được quận triển khai gồm: Xây dựng khu tái định cư tại phường 11; xây dựng khu dân cư – thương mại tại khu vực chợ Nguyễn Văn Trỗi và thay thế 9 chung cư cũ nguy hiểm, hư hỏng nặng; điều chỉnh quy hoạch, xây dựng chỉnh trang dọc hai bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè…

chung cư cũ
Một dự án chung cư cũ đã xuống cấp

Quan điểm của quận là phải được người dân đồng thuận khi triển khai, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Nơi ở của người dân tái định cư phải gắn với không gian sống, làm việc, học tập… Quận sẽ có những chính sách linh hoạt tùy vào từng nhóm đối tượng bị ảnh hưởng khi làm dự án.

Chẳng hạn, với người dân bị di dời, cần chú trọng đến việc bố trí tái định cư, đơn giá bồi thường. Hay với các tiểu thương, mức độ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ phải ở mức thấp nhất. Tùy từng hoàn cảnh, vị trí để đưa ra chính sách hợp lòng dân.

Theo thống nhất giữa quận 3 và đơn vị tư vấn, trọng tâm quy hoạch là khu vực dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đoạn đi qua địa bàn quận. Tổng diện tích khu vực nghiên cứu là khoảng 110ha, gồm một phần các phường 7, 9, 10, 11, 13 và 14. Trong đó, gần 20ha là diện tích đất đường sắt. Để làm dự án, khoảng 54.000 người dân phải chịu ảnh hưởng.

Cũng theo định hướng quy hoạch, khu vực ga Sài Gòn được lấy làm động lực phát triển, bố trí dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè những chức năng khác. Cùng với đó, cải tạo cảnh quan hai bên bờ kênh, chỉnh trang đô thị để tổ chức giao thông, bổ sung công viên, bảo tồn nét văn hóa lịch sử đặc trưng từng khu vực.

Để tiến hành chỉnh trang đô thị, 7 dự án sẽ được hình thành gồm: Khu tái định cư tại khu vực Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn (phường 11); khu chung cư trung tâm thương mại Lê Văn Sỹ (phường 13); khu chỉnh trang đô thị tại các phường 7, 9, 11, 14 và khu vực Nhà ga Hòa Hưng.

Đơn vị tư vấn cho biết, việc thực hiện sẽ làm theo mô hình “cuốn chiếu”. Người dân bị ảnh hưởng khi làm dự án sẽ được tái định cư tại chỗ. Và việc xây dựng nhà tái định cư cho người dân sẽ được ưu tiên trước. Thực hiện theo cách này sẽ dễ được người dân đồng thuận, chất lượng sống của người dân cũng được nâng cao. Chính quyền và nhà đầu tư cũng vẫn còn quỹ đất để làm công trình thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội cho khu vực.

Về nguồn vốn đầu tư, lãnh đạo quận 3 đã mời các doanh nghiệp tham gia dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công tư (PPP). Thư mời ghi rõ địa chỉ khu vực, chiều cao công trình, mật độ xây dựng, số dân bị ảnh hưởng, chức năng quy hoạch đất… để nhà đầu tư tính toán lựa chọn. Theo cách này, hiện đã có hàng chục doanh nghiệp đồng ý tham gia chỉnh trang, phát triển đô thị tại quận 3.